TỰ HÀO VỀ NGƯỜI ANH HÙNG “QUYẾT HY SINH… VÌ ĐẢNG… VÌ DÂN”

Thứ năm - 18/12/2014 20:54
        Tuổi thơ khổ cực
       Phan Đình Giót (1922 – 1954), sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Vĩnh Yên, xã Tam Lộng, tổng Mỹ Duệ (nay là thôn 7, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên), cụ thân sinh là Ông Phan Đình Bân, mẹ là bà Nguyễn Thị Thau. Đó là miền quê giàu truyền thống cách mạng. Ngày anh lên 3 tuổi, bố bị trọng bệnh và mất. Thương mẹ tảo tần nuôi hai anh em, nên mới hơn 10 tuổi, anh đã xin đi ở đợ cho cố Thung – địa chủ trong làng Vĩnh Yên lúc bấy giờ.



Cụ Giát bên di ảnh của anh trai nhớ về tuổi thơ nghèo khó của gia đình mình
 
        Phan Đình Giót ở đợ mãi cho đến khi lấy bà Nguyễn Thị Ran người cùng làng thì đi ở rể. Anh ở rể được một năm thì có con nhưng năm đó đói kém, dịch bệnh nên con trai anh mất khi mới được bảy tháng tuổi. Thuở còn đi ở đợ cho nhà cố Thung, một hôm, anh đi chăn bò và cắt dây khoai lang về nuôi lợn. Mải cắt khoai lang, con bò xuống ăn rau lang lúc nào không biết. Tiện liềm trong tay, ông ném để đuổi con bò, không may liềm cứa vào chân, con bò bị què. Cố Thung nổi cơn thịnh nộ, đánh đập, chửi mắng thậm tệ và bắt anh phải đền con bò. Nhà nghèo lấy đâu ra tiền, thế là từ hôm đó, anh đi ở cho cố Thung không công. Thương mẹ, thương em nhưng anh đành cắn răng chịu đựng.
          Nêu cao tinh thần cách mạng
        Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời – nhà nước công, nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Song, độc lập chưa được bao lâu, cả nước ta lại phải bước vào thời kỳ kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp trở lại xâm lược lần thứ hai. Trước đòi hỏi mới của Tổ quốc, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, Phan Đình Giót cũng như bao người con thân yêu khác của quê hương đã xung phong tham gia các đội tự vệ chiến đấu ở địa phương, hăng hái, nhiệt huyết tham gia khám tuyển với mong muốn “cháy bỏng” được tòng quân, diệt giặc, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, lần nào khám tuyển anh cũng không đạt, bởi một lý do “không đủ cân nặng”.
Nhưng với khát khao thỏa nguyện lý tưởng sống lúc bấy giờ, đó là được hiến dâng tuổi thanh xuân của mình vì độc lập của dân tộc, vì tự do của nhân dân, đó là “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với tinh thần xả thân vì lý tưởng, đến năm 1950, anh vinh dự trở thành người lính cụ Hồ.
         Chiến đấu anh dũng
        Sau 3 tháng huấn luyện ở Tân Trào (Tuyên Quang), Phan Đình Giót được tham gia nhiều chiến dịch lớn như Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc. Chiến dịch nào, anh cũng có mặt và lập công xuất sắc. Trận Tràng Bạch, chiến dịch đường 18, sau khi đánh sập lô cốt chìm của địch, anh bị thương mà không chịu về tuyến sau, xin bằng được ở lại tiếp tục chiến đấu đến khi trận đánh kết thúc. Trận Chùa Tiếng, anh mưu trí, linh hoạt diệt 4 ụ đại liên của địch, làm cho kẻ thù khiếp sợ. Cuối năm 1951, Trung đoàn nhận nhiệm vụ phục kích đánh địch khi chúng chuyển lên Hòa Bình. Đại đội của Phan Đình Giót được giao nhiệm vụ vượt sông Đà tấn công đồn Ba Vì, đội hình bị lộ, địch dùng máy bay, pháo binh oanh tạc dữ dội. Phan Đình Giót dẫn đầu một tổ chủ công xung phong dưới làn bom đạn, nhanh chóng áp sát mục tiêu, san bằng đồn địch, làm cho quân thù kinh hoàng.
        Cuối năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc ấy, Phan Đình Giót là Tiểu đội phó bộc phá, thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Trước yêu cầu cấp thiết của Chiến dịch, anh cùng đồng đội hành quân cấp tốc lên Tây Bắc, vượt qua 500 km đường rừng với không biết bao nhiêu đèo cao, vực thẳm. Đơn vị vừa hành quân, vừa mở đường, có lúc “Anh phải dùng kim chỉ khâu những vết nứt nẻ ở gan bàn chân, tiếp tục hành quân” để kịp thời gian ra mặt trận. Trên đường hành quân đầy gian lao ấy, Phan Đình Giót vẫn luôn nở nụ cười hiền hậu, hết mực thương yêu, giúp đỡ đồng đội, gương mẫu, hết lòng nhận khó khăn về mình, nên được đồng chí, đồng đội cảm phục.

 


Lửa căm thù bốc cao, anh lao lên mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu
 
           Đúng 17 giờ, ngày 13/3/1954 quân ta được lệnh nổ súng tấn công, với khẩu hiệu “Quyết tiêu diệt Him Lam, Quyết cắm cờ trên cứ điểm Him Lam”.
        Tiểu đội của Phan Đình Giót có nhiệm vụ dùng bộc phá mở cửa tạo điều kiện cho quân ta đánh chiếm mục tiêu số 2 của địch. Kẻ thù chống trả quyết liệt, ta và địch giành giật với nhau từng mét hàng rào: “Khi chỉ cách hàng rào của địch chừng 20 mét. Dưới ánh chớp liên tiếp của pháo ta và pháo địch, Tiểu đội phó Giót lao vút lên như tên bắn. Ống bộc phá thứ chín của Giót đã nổ. Anh bị thương, nằm phục sang một bên để cho Kỵ, chiến sỹ trong tổ anh lao lên đánh quả thứ mười. Nhưng khẩu trung liên trong cứ điểm địch cứ nhằm chổ Kỵ mà bắn tới. Kỵ bị thương. Thấy thế, Phan Đình Giót nhào đến đỡ lấy ống bộc phá của Kỵ, rồi lao lên đánh tiếp. Giót chưa kịp lui về thì Liên, đồng đội của anh đã ôm ống bộc phá thứ mười một chạy tới. Nhưng Liên chưa kịp giật nụ xòe thì bị trúng đạn, hy sinh. Giót lại ôm bộc phá của Liên tiến lên... Tiểu đội phó Giót đã một mình làm nhiệm vụ của cả tổ. Sáu mươi mét hàng rào dây thép gai bị phá tung trong ít phút”.
         Hi sinh oanh liệt
        Anh bị thương vào vai, mất máu, nhiều lúc ngất lịm, rồi tỉnh dậy. Tuy nhiên, hỏa điểm trong lô cốt của địch càng lúc càng bắn ra xối xả hơn. Chặn đứng đường xông lên của quân ta. Đợt xung phong cứ điểm phía Tây Bắc của ta bị ngắt quảng. Trước tình thế vô cùng cam go, Tiểu đội phó Giót báo cáo: “Địch bắn rất mạnh, phải dập tắt hỏa điểm, xung kích mới lên được”. Nhận lệnh của Tiểu đoàn phó “Phan Đình Giót xách tiểu liên nhẹ nhàng trườn lên. Chỉ còn cách hỏa điểm địch không đầy 10 mét, Giót chuyển tiểu liên sang tay trái rồi vung tay phải ném một quả lựu đạn. Lựu đạn nổ nhưng hỏa điểm vẫn bắn ra rất rát. Một viên đạn vừa xuyên thủng đùi anh, đó là vết thương thứ hai. Nhưng anh vẫn cố bò nhích lên một đoạn. Anh luồn tiểu liên lên đùi rồi kê tiểu liên quét thẳng vào lỗ châu mai liền hai băng đạn. Lúc này, tiểu liên của anh hết đạn mà hỏa điểm của địch vẫn sống dai dẳng. Sau lưng Giót, anh em xung kích vẫn chờ đợi…”.
        Chính lúc đó, từ sâu thẳm trái tim mình, anh hô vang “Quyết hy sinh… vì Đảng… vì Dân”, toàn người đảng viên Phan Đình Giót đã trùm kín ngay cái tia chớp rần rật, đang xói về phía đội hình xung kích của ta. Hỏa điểm trọng yếu của địch vụt tắt. Tiểu đoàn phó 428 vùng dậy, vung cao súng, hô to: “Xung pho…o.n.g! trả thù cho đồng chí Giót”. Với một sức mạnh kỳ diệu, các chiến sỹ xung kích của ta lao lên và nhanh chóng vượt qua lô cốt số 3. Lúc ấy vừa đúng 20 giờ 30 phút, ngày 13/3/1954.
        Tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ noi theo
        Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu thắng lợi hoàn toàn. Với công lao và sự hy sinh oanh liệt đó, anh đã được truy phong Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và được truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì – phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước ta.


Đài tưởng niệm anh hùng Phan Đình Giót tại xã Cẩm Quan - huyện Cẩm Xuyên
 
        Tiếp nối truyền thống cách mạng, gương hi sinh anh dũng của anh hùng Phan Đình Giót, giữa thời bình hôm nay, nhiều tấm gương trẻ tuổi của huyện nhà trên các lĩnh vực của cuộc sống đời thường đã xuất hiện, tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Hiệu – thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập mỗi năm gần một tỷ đồng; anh Phan Tuấn Điệp – thanh niên đã 13 lần tham gia hiến máu tình nguyện, cứu sống bệnh nhân; anh Hoàng Đình Thành – trường THPT Hà Huy Tập, Nguyễn Đình Ka – trường THPT Nguyễn Đình Liễn tiêu biểu trong nghiên cứu sáng tạo; đội viên Lê Thành Đạt – trường THCS Phan Đình Giót, dũng cảm cứu bạn khỏi chết đuối trong lũ quét, được Trung ương đoàn trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”,…
        Tuổi trẻ Cẩm Xuyên vinh dự và tự hào là quê hương của người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai – Liệt sỹ Phan Đình Giót. Anh đã đi xa 60 năm, nhưng cùng với nhiều anh hùng trẻ tuổi khác của dân tộc, tên tuổi của anh sẽ sống mãi với non sông đất nước, với quê hương. Tinh thần hy sinh dũng cảm, oanh liệt của anh trước kẻ thù là tấm gương sáng, là ngọn đuốc tinh thần, là niềm tự hào của tuổi trẻ. Tuổi trẻ Cẩm Xuyên nguyện phát huy truyền thống quê hương cách mạng, quyết tâm khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần đoàn kết, xung kích, tình nguyện, vươn lên phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
“… Anh bây giờ đã lẫn với mây bay
Đã về với trăng sao huyền thoại
Anh bây giờ đã nhập vào sông núi
Để xanh cùng cây, để biếc cùng trời…”
                             

Tác giả bài viết: Hà Huy Hùng - Bí thư Huyện đoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây